Học tập

Th7 4

9 thời gian đọc ước tính

Lạm phát, thiểu phát và lạm phát đình trệ là gì?

Lạm phát, thiểu phát và lạm phát đình trệ là gì?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhanh xem lạm phát là gì và tại sao lạm phát cao lại có hại cho nền kinh tế.

Lạm phát là sự tăng giá liên tục ở cấp độ chung của hàng hóa và dịch vụ của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian. Điều này có nghĩa là, bình quân, sẽ cần nhiều tiền hơn để mua cùng một giỏ hàng hóa và dịch vụ so với trước đây. Ví dụ như tính từ tháng 3 năm 2022, lạm phát ở Mỹ là 6,43%. Nghĩa là để mua cùng một giỏ hàng hóa trị giá 100$ vào đầu năm, thì giờ đây bạn sẽ phải trả 106,43$.

Lạm phát thường được đo thông qua tỷ lệ lạm phát, đây là phần trăm thay đổi của mức giá trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như một tháng, một quý hoặc một năm. Lạm phát ở mức độ vừa phải thường được xem là lành mạnh cho nền kinh tế, vì nó có thể kích thích hoạt động kinh tế bằng cách khuyến khích chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, lạm phát cao hoặc kéo dài có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, giảm tăng trưởng và gây tổn thương cho những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Lạm phát cao thường được xem là có hại cho nền kinh tế vì một số lý do:

  • Lạm phát cao làm giảm sức mua của tiền tệ, nghĩa là mỗi đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng mua được những mặt hàng cần thiết của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến hoạt động kinh tế bị suy giảm.
  • Lạm phát cao tạo ra sự thiếu ổn định về mặt giá cả trong tương lai, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp lên kế hoạch cho hoạt động sản xuất trong tương lai. Từ đó có thể dẫn đến việc đầu tư, tuyển dụng và tăng trưởng chậm lại.
  • Lạm phát cao có thể làm giảm khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế của một quốc gia bằng cách làm cho hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt hơn và hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Điều này có thể dẫn đến thâm hụt thương mại, khi mà một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó.
  • Lạm phát cao có thể gây tổn hại cho những người có thu nhập cố định, chẳng hạn như người về hưu hoặc những người gửi tiền tiết kiệm dài hạn, do lạm phát làm giảm giá trị thực của khoản tiết kiệm và thu nhập của họ.

Nhìn chung, lạm phát cao có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, giảm tốc độ tăng trưởng và gây tổn thương cho những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Các ngân hàng trung ương và chính phủ phải nỗ lực để giữ lạm phát ở mức vừa phải nhằm tránh những tác động tiêu cực này. Để chống lại lạm phát cao, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất, điều này khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Nhưng những chính sách như vậy lại có tác dụng ngược. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến việc giảm đầu tư và giảm tăng trưởng kinh tế (các chỉ số công nghiệp và GDP giảm). Lãi suất cao cũng có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, vì các doanh nghiệp có thể giảm đầu tư và tuyển dụng nhằm ứng phó với chi phí vay cao hơn.

Thiểu phát và lạm phát đình trệ là những thuật ngữ được sử dụng để miêu tả các tình trạng khác nhau của nền kinh tế.

Thiểu phát là nói đến tình trạng mà trong đó tỷ lệ lạm phát đang giảm, nhưng giá vẫn tăng. Nói cách khác, giá cả đang tăng chậm hơn trước, nhưng vẫn còn lạm phát. Thiểu phát thường được xem là tình trạng kinh tế tích cực vì nó có thể giúp giảm các tác động tiêu cực của lạm phát, chẳng hạn như giảm sức mua và gia tăng sự thiếu ổn định.

Ví dụ như Hoa Kỳ và Canada hiện đang gặp phải thời kỳ thiểu lạm phát khi áp lực lạm phát đang giảm, nhưng giá cả vẫn ở mức cao do lạm phát cao.

Mặt khác, lạm phát đình trệ là nói đến tình trạng mà trong đó nền kinh tế trải qua cả lạm phát cao và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Đây là trạng thái kinh tế khó khăn vì các biện pháp chính sách điển hình để chống lạm phát (chẳng hạn như tăng lãi suất) có thể dẫn đến sự suy giảm hơn nữa đối với tăng trưởng kinh tế. Lạm phát đình trệ có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như việc giảm năng suất lao động hoặc gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng khiến cho giá cả cao hơn và sản lượng thấp hơn.

Ví dụ như Vương quốc Anh đang bước vào giai đoạn lạm phát đình trệ. Sự suy giảm GDP kết hợp với lạm phát cao là một dấu hiệu của lạm phát đình trệ. Tình trạng này khó khăn hơn về mặt kinh tế, do đó Vương quốc Anh có thể rơi vào suy thoái trong vòng 1-2 năm tới.