Kim tự tháp là chiến lược giao dịch trong đó các nhà giao dịch gia tăng vị thế có lời hiện tại của mình khi giá tiếp tục dịch chuyển theo hướng có lợi cho họ. Đây là một cách mở rộng quy mô giao dịch thông qua tăng dần quy mô vị thế, thường tại các điểm thể hiện sức mạnh thị trường đã xác định trước. Phương pháp này nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận từ các xu hướng hoặc biến động giá có lợi.

Mặc dù có vẻ tương tự chiến lược bình quân giá xuống (gia tăng vị thế thua lỗ), kim tự tháp vẫn là phương pháp giao dịch vượt trội hơn nhờ tính chiến lược và mức độ chặt chẽ về mặt toán học cao hơn. Bài viết này sẽ giải thích cơ chế của phương pháp kim tự tháp, thảo luận về những lợi ích của nó so với chiến lược bình quân giá xuống và đi sâu vào các nguyên lý cơ bản từ góc độ lý thuyết xác suất và kỳ vọng toán học.

Cơ chế kim tự tháp

Kim tự tháp đòi hỏi nhà giao dịch thêm các khoản nhỏ hơn vào một vị thế khi giao dịch phát triển theo hướng có lợi. Ví dụ: một nhà giao dịch có thể bắt đầu với một vị thế cơ bản, sau đó thêm vào khi giá đạt đến một số mức nhất định, chẳng hạn vượt qua các điểm kháng cự chính hoặc đạt mức tăng nhất định theo tỷ lệ phần trăm. Về cơ bản, nhà giao dịch sẽ vào lệnh thêm trong các điều kiện thuận lợi hơn khi xác suất xu hướng tiếp tục theo cùng hướng có vẻ cao hơn.

Một cách phổ biến để triển khai kim tự tháp là giảm quy mô của mỗi vị thế được thêm sau đó. Ví dụ: nếu quy mô giao dịch ban đầu là 1 lot, quy mô tiếp theo có thể là 0,75 lot, 0,5, v.v. Phương pháp từng bước này giúp quản lý rủi ro, đồng thời tận dụng các xu hướng có lợi. Nếu thị trường đảo chiều, nhà giao dịch sẽ chịu ít rủi ro hơn đối với các khoản bổ sung nhỏ hơn sau đó.

Tại sao kim tự tháp lại tốt hơn bình quân giá xuống?

Bình quân giá xuống là chiến lược trong đó nhà giao dịch xây dựng một vị thế thua lỗ với hy vọng đảo chiều giá sẽ cho phép họ thoát lệnh với khoản thua lỗ ít hơn hoặc hòa vốn. Mặc dù đôi khi có thể hiệu quả, nhưng bình quân giá xuống vẫn thường được coi là một chiến lược rủi ro cao. Nguy hiểm chính là ở chỗ nhà giao dịch tăng thêm mức rủi ro ở một vị thế mà thị trường đã đi ngược lại, có khả năng làm tăng thêm thua lỗ.

Trái lại, áp dụng kim tự tháp vào các giao dịch có lời là một chiến lược thận trọng hơn và có lợi hơn theo thống kê. Sau đây là lý do:

  1. Gia tăng các vị thế có lời đồng nghĩa với việc thị trường xác nhận quyết định giao dịch ban đầu. Giá dịch chuyển theo hướng dự kiến báo hiệu phân tích của nhà giao dịch có thể đúng và xu hướng đó có khả năng tiếp diễn cao hơn.
  2. Khi áp dụng chiến lược kim tự tháp, các nhà giao dịch sẽ hạn chế được rủi ro thêm số tiền lớn vào các vị thế thua lỗ, làm mức thua lỗ tăng chóng mặt. Vì chiến lược kim tự tháp là chỉ thêm vào các giao dịch khi chúng sinh lời cao hơn, nên mức thua lỗ tiềm ẩn tối đa khi đảo chiều bị giới hạn ở vị thế ban đầu cộng với các khoản bổ sung nhỏ hơn.
  3. Kim tự tháp điều tiết giao dịch theo xác suất có lợi. Mỗi lần bổ sung tiếp theo được thực hiện khi tỷ lệ tiếp diễn thành công tốt hơn, còn bình quân giá xuống thì đi ngược lại xu hướng, tăng mức độ rủi ro trong điều kiện kém thuận lợi hơn.

Kim tự tháp từ góc nhìn lý thuyết xác suất

Lý thuyết xác suất nhấn mạnh rằng khả năng xảy ra một sự kiện sẽ quyết định việc phân bổ nguồn lực hoặc rủi ro. Trong giao dịch, “sự kiện” mà chúng ta quan tâm là giá tiếp tục dịch chuyển theo hướng có lợi cho nhà giao dịch.

  1. Khi gia tăng một vị thế bằng chiến lược kim tự tháp, nhà giao dịch dựa vào xác suất có điều kiện, nghĩa là xác suất xu hướng sẽ tiếp diễn, với điều kiện là xu hướng đó đã dịch chuyển theo hướng có lợi. Khái niệm này có thể được hình dung như một tình huống “nếu-thì”: nếu giá đạt đến một mức nhất định (cho thấy động lực hoặc sức mạnh), thì khả năng tiếp tục theo hướng đó cao hơn so với trường hợp giá dịch chuyển ngược lại.
  2. Khái niệm kỳ vọng toán học rất quan trọng trong việc đánh giá kết quả tiềm năng của một giao dịch. Nó được tính như sau

E=(Pwin×Gain)+(Ploss×Loss),
trong đó

Pwin và Ploss lần lượt biểu thị xác suất lời và lỗ, còn “Gain” (Lãi) và “Loss” (Lỗ) là khoản tiền liên quan.

  1. Kim tự tháp tác động tích cực đến kỳ vọng toán học bằng cách chỉ tăng mức rủi ro trong các điều kiện mà Pwin​ được cho là cao hơn do thị trường xác nhận xu hướng. Ngược lại, bình quân giá xuống làm tăng mức độ rủi ro trong khi Ploss có thể cao hơn Pwin​, làm giảm giá trị kỳ vọng.

Mục tiêu chính trong giao dịch là duy trì kỳ vọng toán học dương. Kim tự tháp điều tiết theo mục tiêu này thông qua việc tăng quy mô vị thế một cách có hệ thống khi giao dịch trở nên có lợi hơn, cho phép nhà giao dịch “tận dụng lợi thế của họ”. Nguyên tắc cốt lõi ở đây là chấp nhận nhiều rủi ro hơn khi điều kiện thị trường thuận lợi và giảm rủi ro khi không thuận lợi.

  • Kim tự tháp: Vì các nhà giao dịch gia tăng dần các vị thế có lời, nên quy mô của mỗi vị thế bổ sung sẽ nhỏ hơn, do đó hạn chế được các khoản lỗ tiềm ẩn từ các đợt đảo chiều đột ngột. Các vị thế ban đầu và vị thế nhỏ hơn sau đó có thể tạo ra lợi nhuận lớn nếu xu hướng tiếp diễn, dẫn đến tình huống rủi ro-phần thưởng không tương xứng, trong đó phần thưởng tiềm ẩn áp đảo các rủi ro đã chấp nhận.
  • Bình quân giá xuống: Khi dùng chiến lược bình quân giá xuống, các nhà giao dịch có nguy cơ rơi vào bẫy, trong đó tỷ lệ phục hồi giảm dần khi thua lỗ ngày càng sâu. Vị thế càng lớn, nhà giao dịch càng phải chú trọng sự đảo chiều giá để thoát lệnh tại điểm hòa vốn, dẫn đến tình huống kỳ vọng âm. Xác suất thị trường đảo chiều ngày càng trở nên bất lợi với mỗi vị thế thua lỗ bổ sung.

Những điểm thực tế khi xây dựng mô hình kim tự tháp:

  1. Đặt ra các quy tắc vào lệnh và thoát lệnh: Để giao dịch kim tự tháp hiệu quả, các nhà giao dịch nên thiết lập các tiêu chí rõ ràng về thời điểm gia tăng vị thế, chẳng hạn như mức giá cụ thể, tỷ lệ phần trăm biến động hoặc tín hiệu kỹ thuật. Các chiến lược thoát lệnh để chốt lời hoặc cắt lỗ nếu xu hướng đảo ngược cũng quan trọng không kém.
  2. Quản lý quy mô vị thế: Giảm quy mô của mỗi vị thế tiếp theo giúp quản lý rủi ro, đảm bảo lợi nhuận được tối đa hóa mà không khiến nhà giao dịch phải chịu quá nhiều biến động giá bất lợi.
  3. Khả năng chịu rủi ro: Các nhà giao dịch nên điều chỉnh chiến lược kim tự tháp của mình dựa trên khả năng chịu rủi ro cá nhân và điều kiện thị trường. Trong các thị trường có tính biến động cao, có thể cần các mức tăng nhỏ hơn để giảm thiểu mức rủi ro đảo chiều đột ngột.

Kết luận

Kim tự tháp là một chiến lược giao dịch mạnh giúp điều tiết việc quản lý rủi ro theo lý thuyết xác suất và các nguyên tắc kỳ vọng toán học. Về cơ bản, kim tự tháp cho phép các nhà giao dịch tạo nên vị thế có lời và quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Chiến lược này không phải để đúng trong mọi giao dịch mà là để tối đa hóa lợi nhuận khi thị trường thuận theo vị thế của bạn và giảm thiểu rủi ro khi thị trường không thuận. Bằng cách bổ sung các vị thế khi điều kiện thuận lợi, các nhà giao dịch có thể sử dụng sức mạnh của xác suất để cải thiện hiệu quả giao dịch tổng thể.