Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm gần 70% GDP của Hoa Kỳ, từ đó khiến doanh số bán lẻ trở thành một chỉ số kinh tế tuyệt vời. Chỉ số Doanh số Bán lẻ là một thước đo theo dõi nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa thành phẩm. Hàng hóa và dịch vụ đã đi đến cuối chuỗi cung ứng, bắt đầu từ nhà sản xuất và kết thúc với nhà bán lẻ. Doanh số bán lẻ được đo lường bằng hàng hóa lâu bền và ngắn hạn được mua trong một khoảng thời gian. Các cửa hàng bán lẻ bao gồm các cửa hàng thông thường như Target, Macy’s và những cửa hàng khác. Trong đó cũng bao gồm các cửa hàng trực tuyến như Amazon.
Báo cáo được tạo từ dữ liệu biên nhận do các nhà bán lẻ ngẫu nhiên cung cấp. Báo cáo được thể hiện dưới dạng hàng triệu đô la và theo tỷ lệ phần trăm thay đổi so với các tháng trước và dữ liệu được chia thành nhiều loại nhà bán lẻ khác nhau. Doanh số bán hàng được phân loại theo loại hình cơ sở, không theo loại sản phẩm.
Doanh số Bán lẻ của Hoa Kỳ được báo cáo hàng tháng bởi Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Và có hai báo cáo Doanh số bán lẻ và Doanh số bán lẻ cốt lõi sẽ được xuất bản cùng lúc. Báo cáo Doanh số bán lẻ cốt lõi không xem xét doanh số bán ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và thực phẩm vì giá thay đổi rất nhanh và làm sai lệch dữ liệu.
Báo cáo Doanh số Bán lẻ giúp các nhà phân tích và nhà đầu tư đánh giá tình trạng của nền kinh tế. Một ưu điểm đáng kể của báo cáo là nó cung cấp dữ liệu chính xác về những ngành và sản phẩm mà người tiêu dùng chi tiêu phần lớn các khoản tiền của họ. Các nhà kinh doanh coi báo cáo doanh số bán lẻ là một trong những chỉ báo kinh tế hữu ích nhất với nhiều mục đích sử dụng cho các thị trường tài sản khác nhau.
Làm cách nào để đọc dữ liệu Doanh số bán lẻ?
Các số liệu về Doanh số bán lẻ lành mạnh thường gây ra thay đổi tích cực trên thị trường chứng khoán. Doanh số bán lẻ tăng cao hơn là một tin tốt cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bán lẻ vì điều đó đồng nghĩa các cổ đông sẽ nhận về thu nhập cao hơn. Cũng cần đánh giá sự năng động của Doanh số bán lẻ từ tháng này sang tháng khác. Nếu dữ liệu tăng, đó là một dấu hiệu tích cực và rất tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Nếu xu hướng theo tháng là tiêu cực, điều đó mang lại tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế và các chỉ số chứng khoán.
Tại thời điểm tin tức được công bố, các trader cần so sánh giá trị thực tế với giá trị dự đoán. Nếu dữ liệu thực tế tốt hơn dự đoán, đây là tín hiệu tốt cho thị trường tiền tệ. Ngược lại, nếu doanh số bán lẻ thấp hơn kỳ vọng, đó là tín hiệu tiêu cực.
Hãy cùng xem một ví dụ cụ thể như sau. Báo cáo GDP hàng tháng đã được công bố tại Hoa Kỳ vào thứ Sáu tuần trước (ngày 15 tháng 7). Dữ liệu được công bố tốt hơn so với dự báo của các nhà phân tích và cao hơn so với số liệu của tháng trước. Và mặc dù chỉ số US Dollar Index giảm vào thời điểm cuối ngày thứ Sáu, sau khi dữ liệu công bố, đồng đô la đã chứng kiến đà tăng trưởng tốt. Tất nhiên, giao dịch dựa trên tin tức không phải lúc nào cũng là chiến lược giao dịch hàng đầu. Bên cạnh đó các dữ liệu cần được xem xét trong bối cảnh cùng các chỉ số kinh tế quan trọng khác. Nhưng để cung cấp cho bạn một ví dụ trực quan, chúng tôi đã chỉ ra cách các trader phản ứng với một số dữ liệu kinh tế nhất định tại thời điểm công bố dữ liệu.